Bánh tét, hương vị khó quên của những ngày Tết ở Bình Thuận
Lại một cái Tết nữa sắp về trên mọi nẻo đường con phố. Mỗi khi đến mốc thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như thế này là lại làm cho những người con xa nhà, xa quê nhớ da diết. Nhớ về ngôi nhà thân yêu, nhớ những người thân lâu ngày chưa gặp, nhớ về miền quê ta đã lớn lên. Đôi lúc, lại nhớ về những hương vị say mê lòng người ở Bình Thuận mà không nơi nào có được, từ món cốm sữa ngọt dịu, cay cay vị gừng đến vị bánh xà lam dẻo ngọt thanh. Đặc biệt nhất có lẽ chính là những đòn bánh tét dịp xuân, chỉ cần một miếng là đã lấp đầy nỗi nhớ trong mỗi người!
Nói về xuất xứ cái tên bánh tét thì đúng là một cuộc hành trình của quy luật biến âm diễn ra trong dân gian. Vốn từ xưa, bánh tét tuy được làm quanh năm nhưng thường nhất vẫn là dịp lễ Tết mới xuất hiện nhiều, vì vậy mới có tên là “Bánh Tết”. Người người gọi bánh tết, lâu dần để phát âm dễ hơn đã đọc trại ra thành bánh tét. Một số cũng cho rằng, chính cách thức phải “tét” từng khoanh một của bánh cũng đã làm nên tên gọi như ngày nay.
Bánh tét là nét đặc trưng của ẩm thực ở miền Trung và miền Nam. Cũng giống như cách chế biến bánh chưng ở miền Bắc từ nguyên liệu, cách nấu, chỉ khác ở hình dáng cùng việc sử dụng lá chuối thay vì lá dong. Đây có thể nói là một món bánh không thể thiếu trên mâm cúng ông bà, tổ tiên ngày Tết. Thiếu đi hương vị bánh tét, thiếu đi hương vị quan trọng nhất, cái Tết cũng trở nên thiếu không khí đặc trưng.
Ngày xưa, tôi rất thích ngồi nhìn ba mình gói bánh tét. Những đòn bánh tét tròn đều, đẹp xuất sắc cứ lần lượt được ra đời bởi đôi bàn tay khéo léo, vô cùng linh hoạt. Cách ba chăm chút cho từng chiếc lá, từng nhân bánh, cách ba thoăn thoắt buộc chặt từng cái bánh trông mới điệu nghệ, thích mắt làm sao. Năm nào cũng vậy, năm nào cũng nhìn nhiều như thế nhưng nó không hề chán chút nào, chỉ mong sao ba mẹ luôn được khỏe mạnh như vậy, cùng con cháu chuẩn bị những nồi bánh tét dâng tổ tiên là tôi đã mãn nguyện rồi.
Bánh tét đặc biệt, đó là điều ai cũng phải thừa nhận, bởi cái hương vị không lẫn đi đâu được của nó. Vị dẻo thơm của gạo nếp cùng nhân bánh béo ngậy đã làm nên một dấu nhấn khó phai trong nền ẩm thực cũng như trong lòng mỗi con người chúng ta mỗi dịp Tết đến.
Bánh được tét thành từng khoanh tròn trông rất bắt mắt sau đó bày thành từng đĩa để dâng tổ tiên, ông bà và cũng để mọi người trong nhà thưởng thức, ăn kèm với nước mắm ở xứ Bình Thuận mình thì ngon khỏi chê.
Ngoài ra, bánh tét ăn kèm với củ cải hoặc củ kiệu muối cùng măng kho thịt luôn là một lựa chọn thú vị. Bánh cũng có thể được rán qua trong dầu để lớp vỏ trở nên vàng giòn, tươi ngon hơn, một biện pháp tránh ngán những ngày Tết.
Mỗi cách ăn đều có những cái ngon riêng. Quan trọng là ta được sẻ chia những giây phút yên bình, thư thái bên người thân, gia đình trong cái không khí thiêng liêng đầu xuân. Hãy trân trọng quãng thời gian này để tiếp thêm nguồn năng lượng mới, động lực mới tiếp tục bước đi trên con đường trưởng thành mà ta đã chọn. Chúc mọi người dịp Tết này hạnh phúc sum vầy!
Lai Đỗ