05 cách nấu mủ trôm thơm ngon và bổ dưỡng nhất
Mủ trôm, đặc biệt là đặc sản mủ trôm Vĩnh Hảo của Bình Thuận, được biết đến là sản phẩm sở hữu nhiều công dụng tuyệt vời. Những thức uống kết hợp giữa mủ trôm với các nguyên liệu khác chứa nhiều thành phần vi và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Trong bài viết này, mình sẽ bật mí một số cách nấu mủ trôm thơm ngon và bổ dưỡng nhất.
- Cách nấu mủ trôm lá dứa
- Cách nấu mủ trôm nha đam
- Cách nấu mủ trôm hạt é
- Cách nấu mủ trôm đường phèn
- Cách nấu mủ trôm hạt chia
1. Cách nấu mủ trôm lá dứa
Cách nấu mủ trôm với lá dứa được rất nhiều người áp dụng. Bởi mùi thơm của lá nếp hòa quyện với mủ trôm tạo nên một thức uống cực kỳ thơm ngon và dịu mát.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 100g lá dứa
- 20g mủ trôm khô
- 1,5 lít nước lọc
- Đường
Cách nấu
- Mủ trôm ngâm với nước lạnh, tùy loại mủ trôm thời gian ngâm sẽ khác nhau nhưng thường là từ 12 – 15 giờ.
- Lá dứa sau khi rửa sạch sẽ đem đun với nước lọc trong khoảng 10 phút. Tùy thuộc vào khẩu vị bạn sẽ thêm lượng đường vào sao cho thích hợp.
- Tắt bếp để nguội rồi cho mủ trôm đã ngâm vào nước lá dứa. Bạn có thể thể thưởng thức luôn hoặc cho vào chai và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần.
2. Cách nấu mủ trôm nha đam
Mủ trôm và nha đam là hai loại nguyên liệu được biết đến với hàm lượng dinh dưỡng cao. Cách nấu mủ trôm kết hợp với nha đam khá đơn giản, bạn có thể làm ngay tại căn bếp gia đình mình.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 500g nha đam
- 2 lá dứa
- Dầu chuối
- 700 ml nước lọc
- 10g mủ trôm
- Đường phèn
Cách nấu
- Sử dụng nước ấm ngâm mủ trôm trong khoảng từ 12 – 15 giờ, đảm bảo cho mủ trôm trương nở hết.
- Nha đam rửa sạch, gọt bỏ hết phần vỏ xanh bên ngoài và lấy phần nhân trắng bên trong ngâm khoảng 5 phút trong nước muối loãng.
- Vớt nha đam ra và đem rửa lại với nước sạch. Sau đó, tiếp tục ngâm nha đam trong nước muối loãng thêm khoảng 10 phút nữa để loại bỏ hết nhớt, mùi hăng và đắng của nha đam.
- Sau khi ngâm, rửa sạch nha đam, thái hạt lựu rồi để ráo nước.
- Lá dứa đem rửa sạch và bó gọn lại.
- Đun sôi hỗn hợp gồm nước lọc, đường phèn và lá dứa. Đến khi đường phèn tan hết, bạn vớt lá dứa ra và cho nha đam vào đun sôi rồi tắt bếp.
- Khi nước nha đam đường phèn nguội, bạn cho mủ trôm vào, thêm một ít dầu chuối để tạo hương thơm. Nước mủ trôm nha đam để trong ngăn mát tủ lạnh uống sẽ thơm ngon hơn nhiều.
3. Cách nấu mủ trôm hạt é
Hạt é là thực phẩm nguyên hạt, cực kỳ nhiều chất xơ, có khả năng hút nước và trương nở. Hạt é nấu cùng mủ trôm là thức uống vô cùng hấp dẫn để giải nhiệt trong ngày hè nóng bức.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Hạt é khô
- Mủ trôm khô
- Đường thốt nốt hoặc đường phèn
- Một vài quả quất (quả tắc)
Cách nấu
- Trước tiên cần ngâm mủ trôm trong nước ấm khoảng 12 giờ cho trương nở hết. Giữ lại phần trắng bên trong đã nở bung, gỡ bỏ phần cát thật sạch.
- Hạt é rửa qua nhiều lần nước cho thật sạch. Sau đó, ngâm hạt é trong nước lạnh khoảng 10 phút cho đến khi nở đều, đổ ra để ráo nước.
- Đun sôi nước với đường thốt nốt hoặc đường phèn. Tùy khẩu vị thích ăn ngọt vừa hay ngọt đậm mà cho lượng đường thích hợp.
- Chờ nước đường nguội, tiếp tục cho hạt é và mủ trôm vào trộn cùng.
- Đến khi thưởng thức, bạn lấy một ít mủ trôm, hạt é và nước đường vào cốc. Tùy theo sở thích, để nước mủ trôm hạt é lạ miệng hơn có thể cho thêm vài giọt quất, siro dâu, trái cây hoặc một ít đá bào…
4. Cách nấu mủ trôm đường phèn
Mủ trôm nấu với đường phèn là cách chế biến dễ dàng và phổ biến nhất. Tuy đơn giản nhưng thức uống bổ dưỡng này khiến nhiều người thích mê và làm để uống hàng ngày.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Mủ trôm khô
- Nước lọc
- Đường phèn
- Dầu chuối
Cách nấu
- Tùy theo viên mủ trôm to hay nhỏ mà ngâm trong nước ấm từ 12 – 15 giờ sao cho mủ trôm trương hoàn toàn.
- Đun nước đường phèn đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
- Để hỗn hợp nước đường phèn thật nguội. Lưu ý không được nấu luôn mủ trôm cùng với nước đường phèn sôi trên bếp, như vậy sẽ làm mất công dụng của mủ trôm.
- Cho mủ trôm vào nước đường, thêm vài giọt dầu chuối để nước uống thơm hơn. Bạn có thể nếm thử ngay hoặc bỏ trong ngăn mát tủ lạnh và thưởng thức dần.
5. Cách nấu mủ trôm hạt chia
Cũng giống như hạt é, hạt chia kết hợp cùng mủ trôm sẽ giúp cho thành phần dinh dưỡng của nước uống giá trị hơn nhiều. Bạn hoàn toàn có thể thử tài pha chế của mình theo công thức dưới đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 20 gam mủ trôm khô
- 1 muỗng hạt chia
- 100g lá dứa ( lá nếp)
- 100 gam đường phèn
- 1,5 lít nước
Cách nấu
- Mủ trôm ngâm qua đêm với nước ấm cho đến khi nở hoàn toàn. Sau đó lượt qua rây và rửa sạch lại với nước.
- Ngâm hạt chia khoảng 30 phút cho nở hết.
- Lá dứa rửa sạch sẽ, cho vào đun cùng với nước và đường phèn đến khi đường tan hết thì tắt bếp.
- Sau khi nước nguội tiếp tục cho mủ trôm và hạt chia vào cùng.
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và thưởng thức dần.
Mỗi cách nấu mủ trôm với các nguyên liệu khác nhau sẽ tạo ra những thức uống bổ dưỡng và lạ miệng. Bạn có thể thử tài ngay tại căn bếp nhỏ xinh của mình để mời mọi người cùng thưởng thức nhé.