Bạn có biết cây cầu nào dài nhất Bình Thuận?
Nếu bạn đang phân vân không biết cầu Trần Hưng Đạo hay cầu Lê Hồng Phong ở Phan Thiết đâu mới là cây cầu dài nhất Bình Thuận thì mình khuyên bạn nên thôi, nghỉ cho khỏe bởi vì cây cầu dài nhất Bình Thuận không nằm ở thành phố Phan Thiết, trung tâm của Bình Thuận mình đâu.
Tên của cây cầu dài nhất Bình Thuận là cầu Sông Lũy. Có phải cái tên này nghe rất quen với mấy bạn ở huyện Bắc Bình không?
Đúng là ở huyện Bắc Bình có đến 2 cây cầu có tên là cầu Sông Lũy, một trong số đó là cầu đường sắt. Thậm chí ở huyện này có cả một xã tên là Sông Lũy. Nhưng tiếc là cây cầu dài nhất tỉnh mình cũng không phải thuộc huyện Bắc Bình.
Thật ra, cây cầu Sông Lũy dài nhất tỉnh nằm ở huyện Tuy Phong, nối liền thị trấn Phan Rí Cửa với xã Hòa Phú cũ. Cầu Sông Lũy này cũng không lạ lẫm gì với mọi người đâu. Nó chính là cây cầu nằm trên đoạn cuối cung đường ven biển Mũi Né – Bàu Trắng – Phan Rí, một trong những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam.
Được biết cầu Sông Lũy này được khởi công vào năm 2006 và được hoàn thành vào năm 2010. Công trình được xây dựng với tổng số vốn đầu tư là 97,212 tỉ đồng. Cầu có tổng chiều dài trên 766m, rộng 10,5 m và có trọng tải là 30 tấn.
Có 02 điều thú vị về cây câu dài nhất tỉnh Bình Thuận mà mình muốn chia sẻ.
Thứ nhất là về tên của cây cầu. Bản thân tên của cây cầu dài nhất tỉnh là điều gây nhiều thắc mắc và tranh cãi. Lý do mà cây cầu này có tên là Sông Lũy có lẽ là vì đây là tên của con sông chảy ngang qua nó. Và chắc cũng cùng một lý do nên một cây cầu khác ở huyện Bắc Bình, trước đó, cũng được đặt tên là cầu Sông Lũy?
Về Sông Lũy, đây là con sông chảy qua 2 tỉnh Lâm Đồng Và Bình Thuận có phần lớn diện tích lưu vực phân bố chủ yếu ở huyện Bắc Bình, một phần nhỏ thuộc huyện Tuy Phong và huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng). Có lẽ do phần lớn diện tích lưu vực cong sông này nằm ở huyện Bắc Bình, nên huyện này mới có hẳn một xã và hai cây cầu (trong đó có một cầu đường sắt) đặt theo tên con sông là Sông Lũy.
Không biết trước khi đặt tên cho cây cầu dài nhất tỉnh ở Tuy Phong, nơi cửa Sông Lũy, người ta có chịu tìm hiểu và phát hiện ra trong tỉnh đã có một cây cầu khác tên là Sông Lũy hay không hay họ có một lý do nào xác đáng hơn?
Nhưng dẫu sao cái tên đó là chuyện đã rồi trên các văn bản chính thống. Còn với người dân Phan Rí, có lẽ không quá mặn mà với cái tên Sông Lũy có phần xa lạ, nhiều người trong đó có mình thường hay gọi cây cầu này là cầu Hòa Phú, ý muốn nhắc đến cây cầu để đi qua Hòa Phú. Chưa rõ người dân ở xã Hòa Phú có giống bên kia cầu, sẽ gọi là cầu Phan Rí, ý muốn nhắc đến cây cầu để đi qua Phan Rí hay vẫn gọi tên chính thống của nó là cầu Sông Lũy?
Mình từng nhớ trong group PR+ trước đây đã từng có một bài viết thu hút rất nhiều bình luận xung quanh chủ đề này. Một thành viên trong nhóm đã đăng hình ảnh cây cầu dài nhất tỉnh Bình Thuận và hỏi tên cây cầu này là gì. Và thế là Hòa Phú, Phan Rí, Sông Lũy, thậm chí Phan Hòa, Rí Phú, Phú Rí, Hòa Phan, v.v. muôn vàn câu trả lời từ nghiêm túc cho đến bông đùa tạo nên những cuộc tranh cãi, bàn luận khá vui vẻ.
Điều thú vị thứ hai của cây cầu dài nhất tỉnh là điểm nhấn khu vực dưới chân cầu. Khu vực này từng được một bài viết trên Bình Thuận Online ví von là phố ăn nhậu của người dân ở đây. Sỡ dĩ có tên gọi này là từ khi tuyến đường ven biển Bàu Trắng – Phan Rí được hoàn thành, quán xá mọc lên như nấm sau mưa trải dài hơn 500 m dọc hai bên đường từ phía chân cầu bên xã Hòa Phú cũ.
Đến với khu vực mệnh danh phố ăn nhậu này, bạn sẽ mướt mắt với hàng trăm xiên que cực hấp dẫn đầy đủ màu sắc dọc các hàng quán bên đường. Ở đây cũng có các quán nước mía, trà sữa, bánh xèo, bánh phai mì, v.v. và có cả món cà phê bệt, tưởng chừng chỉ có ở Sài Gòn. Không gian quán xá rộng rãi, khoáng đãng vô cùng.
Đáng tiếc, sự sầm uất nhộn nhịp đó đã không còn được duy trì ở hiện tại.