Đi tắm biển, tham khảo ngay những kinh nghiệm này ngay!

Những chuyến chơi biển, tắm biển không chỉ là dịp lý tưởng để nghỉ ngơi, thư giãn, mà còn đem lại nhiều bổ ích, tác động tích cực đối với sức khỏe, giúp cơ thể tăng cường sức khỏe chống đỡ với bệnh tật. Trong bài viết này, mình sẽ trình bày một số vấn đề chính mà rất nhiều người đang thắc mắc khi lên kế hoạch đi tắm biển ở các vùng du lịch Bình Thuận, Vũng Tàu, Nha Trang…

Đi tắm biển

Người dân tắm biển bở bãi tắm biển Phan Rí Cửa

I. Lợi ích của việc tắm biển

Khi tiếp xúc với nước biển, khí hậu của biển, cát biển, kể cả những chất lấy ra từ biển như các tảo… đều tác động tới làn da, mái tóc, tế bào, hệ cơ xương. Vì vậy, đã từ rất lâu, trong lĩnh vực y học, người ta đã biết tận dụng những đặc tính ưu việt của môi trường biển và hình thành một phương pháp điều trị gọi là liệu pháp biển (thalassotherapie). Có thể nói biển lại chính là kho dược liệu lớn giúp phòng và chữa nhiều loại bệnh mà chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Và việc tắm biển thường xuyên đem lại những lợi ích nào và những lợi ích đó ra sao?

Đi tắm biển

Khỏe khắn hơn khi đi tắm biển – Ảnh Pexel

#1. Muối trong nước biển giúp khỏe xương và phòng bệnh loãng xương

Chất kiềm hóa của muối biển giúp cân bằng độ pH của não và thận. Đồng thời, hơi nóng của cát biển có tác dụng chữa bệnh khớp mạn tính và chứng còi xương ở trẻ nhỏ.

Để việc chữa bệnh đạt được hiệu quả tốt nhất, các bạn nên tắm biển từ sáng sớm, khi nhiệt độ của cát tăng dần từ 30 – 400C. Việc phủ một phần cát mỏng trên cơ thể tầm 15 – 30 phút, có tác động không nhỏ đến hệ thần kinh và tim mạch.

Khi bơi trong làn nước biển, cơ thể buộc phải vận động đến toàn bộ hệ cơ bắp. Từ đó, giúp các cơ bắp săn chắc, ngực nở nang, các đốt sống chun giãn tốt, tăng tính đàn hồi của cột sống.

#2. Thúc đẩy sự bài tiết của cơ thể, cải thiện lưu thông máu, làm tăng số lượng hồng cầu và ổn định nhịp tim

So với trên đất liền, trong lòng biển chứa rất nhiều các ion âm, những ion âm này có thể thúc đẩy sự bài tiết của cơ thể đặc biệt là quá trình phân giải và tổng hợp protein. Vì vậy, những ion âm này chính là những nhân tố quan trọng góp phần giải tỏa sự mệt mỏi cho cơ thể, kích thích sự hoạt động của mạch máu.

#3. Muối biển ngừa bệnh hô hấp

Trong muối biển có chứa vô số nguyên tố vi chất và muối khoáng tốt cho sức khỏe đặc biệt là hệ hô hấp. Như chúng ta đã biết, khí hậu ở biển thường rất trong lành, ít vi khuẩn, vì vậy, khí hậu biển biển mang lại hiệu quả cao cho sự hô hấp và trao đổi khí của cơ thể. Việc tăng cường hô hấp và chuyển đổi khí ở phổi tăng dẫn đến gia tăng tuần hoàn máu, kích thích sự tiêu hóa.

#4. Cải thiện hiệu suất của tuyến giáp

Nước biển tự nhiên chứa hàm lượng i-ốt rất cao, trong khi đó, tuyến giáp của con người cần i-ốt để sản sinh ra các hormon cần thiết. I-ốt giúp cân bằng hormon tuyến giáp và giảm sự hình thành u tuyến giáp.

#5. Thư giãn, giảm căng thẳng thần kinh và vượt qua trầm cảm

Lòng bàn chân con người tập trung hơn 200.000 đầu dây thần kinh, việc đi bộ trên cáy bằng đôi chân trần sẽ kích thích những đầu dây thần kinh này nhiều hơn khi đi giày/dép. Đây cũng là một cách để massage cho lòng bàn chân, tẩy tế bào chết ở gót và đầu các ngón chân. Hãy để đôi chân trần được đặt trên cát, gần gũi với cát, để thấy tâm hồn nhẹ nhàng, thư thái hoàn toàn thả lỏng trên từng bước chân.

Không khí trong lành, tươi mát của biển có tác dụng làm cho tinh thần trở nên phấn chấn. Đắm chìm trong bầu không khí ấy sẽ giúp cải thiện hệ miễn nhiễm và cho bạn những giấc ngủ ngon hơn. Qua đó, căng thẳng và trầm cảm cũng được cải thiện rõ rệt.

#6. Làm chắc và sáng răng

Trong nước biển có nhiều dược chất, oxy trong nước biển có thể cho bạn nụ cười tỏa nắng với hàm răng trắng bóng một cách tự nhiên. Theo các nha sĩ, súc miệng và rửa mũi bằng nước biển sạch, nóng đến 37 0C là rất tốt cho khoang miệng và hô hấp.

#7. Sở hữu một vóc dáng săn chắc

I-ốt có nhiều trong các sinh vật nhỏ ở biển cũng giúp đốt cháy chất béo tại các phần cơ thể có mỡ dư thừa. Đó là lý do vì sao những người có thói quen thường xuyên tắm biển lại sở hữu một thân hình săn chắc và nóng bỏng.

Bên cạnh tác dụng massage nhẹ nhàng và cung cấp thêm oxy cho cơ thể, cải thiện hoạt động của mạch máu, giảm huyết áp, việc tắm biển kết hợp với các môn thể thao trên mặt nước thì việc sở hữu một cơ thể khỏe mạnh, một vóc dáng săn chắc, gọn gàng không phải là chuyện khó khăn.

#8. Muối biển giúp dưỡng móng tay và tóc

Thường xuyên tắm ở biển có thể thay thế việc nuôi dưỡng móng tay bằng dưỡng chất và làm mặt nạ cho tóc. Bởi muối biển tự nhiên là hỗn hợp của 3% lượng muối khoáng và 60 nguyên chất vi lượng tối cần thiết cho cơ thể mà không có một loại thực phẩm nào có thể so sánh được.

#9. Làm sạch và mịn da

Nước biển đặc biệt hữu ích cho những làn da nhạy cảm, lượng muối trong nước biển giúp rửa trôi vi khuẩn trên bề mặt da, loại bỏ tế bào chết mang lại làn da mịn màng và khỏe khoắn. Bên cạnh đó, những hạt cát trong nước sẽ kích thích các lỗ chân lông, và qua sự “massage thủy lực” dồn dập từ sóng biển, các ion khoáng chất dễ thấm sâu vào da. Khi hấp thụ được nhiều muối và khoáng chất, làn da của bạn sẽ trở nên dẻo dai và đàn hồi.

Bên cạnh việc làm sạch da, nước biển còn giúp chữa một số bệnh về da như: eczema và bệnh vẩy nến.

II. Những lưu ý khi đi tắm biển

Một kỳ nghỉ ở biển luôn mang đến cho chúng ta những cơ hội nạp lại năng lượng với các chất vi lượng thiết yếu để cơ thể hoạt động tốt hơn, có một sức khỏe tốt hơn, tinh thần minh mẫn, trẻ trung hơn và từ đó làm việc, học tập cũng hiệu quả hơn. Thế nhưng trước khi “xõa” cùng biển, hãy trang bị riêng cho mình những lưu ý khi đi tắm biển để có được một mùa du lịch trọn vẹn đầy ý nghĩa.

đi tắm biển

Những lưu ý khi tắm biển – Ảnh Pexel

#1. Nhận biết dòng chảy xa bờ

Đây chính là mối hiểm họa lớn nhất tiềm ẩn trong đại dương mênh mông. Dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên dễ đánh lừa mọi người rằng đây là một vùng an toàn. Nhưng trên thực tế, hầu hết những tai nạn thương tâm như chết đuối khi đi tắm biển đều do dòng chảy xa bờ này gây ra

#2. Kĩ năng mềm

Đây là một trong những hành trang quan trọng mà chúng ta nhất định phải có trước khi quyết định đi du lịch biển. Đầu tiên là phải khởi động trước khi xuống nước, tránh ăn no hoặc uống rượu. Khi không may bị chuột rút thì không được hoảng loạn, cần phải bình tĩnh, làm cơ giãn rồi gọi mọi người giúp sức đưa mình vào bờ. Một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng chúng ta cần phải luôn ghi nhớ đó chính là không được tắm biển một mình đề phòng những trường hợp bất trắc có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

#3. Luôn cung cấp nước cho cơ thể

Mùa hè là lúc cơ thể cần nước hơn bất cứ thời điểm nào. Chính vì vậy, cần phải đảm bảo rằng cơ thể luôn được cung cấp đủ nước để đề phòng những trường hợp bị say nắng, khô da, mất nước, buồn nôn. Đây không phải chỉ là những lưu ý khi đi tắm biển mà kể cả những thời điểm khác.

#4. Kỹ năng bơi

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong những lưu ý khi đi tắm biển đó chính là kỹ năng bơi. Những trường hợp chết đuối vì không biết bơi vẫn luôn diễn ra hằng ngày và hằng giờ, vì thế mà dù cho bạn có dự định đi du lịch biển hay không thì việc biết bơi vẫn là một trong những kỹ năng sinh tồn mà mỗi người cần phải trang bị cho bản thân mình.

Trong tình huống cần thiết, hoặc là bạn chọn tắm gần bờ chung cùng trẻ em, hoặc là trang bị áo phao để đảm bảo tính an toàn suốt thời gian tắm biển nhé.

Trên đây là một số lưu ý nằm lòng bạn cần phải ghi nhớ. Để có những chuyến du lịch tắm biển thả gả, hãy cố gắng trang bị kiến thức và vật dụng cần thiết để kỳ nghỉ diễn ra thật sự trọn vẹn nhé.

III. Những cách chống nắng hiệu quả khi đi tắm biển

Các bãi tắm biển thường có rất ít bóng râm, mặt nước và cát thường phản xạ anh sáng rất lớn, đặc biệt nước biển mặn và nhiều muối sẽ khiến bạn dễ mất nước, say nắng và da dễ bị khô. Vì vậy bạn nên chủ động chống nắng khi đi tắm biển bằng các cách sau.

đi tắm biển

Chống nắng khi đi tắm biển – Ảnh Pexel

#1. Thoa kem chống nắng

Phương pháp chống nắng tốt nhất khi đi tắm biển chính là thoa kem chống nắng. Đi tắm biển bạn nên loại kem chống nắng có chỉ số SPF cao, nên thoa với liều lượng nhiều hơn và một cách thường xuyên hơn, nên nhớ phải thoa toàn bộ cơ thể, bao gồm cả các vùng ít chú ý như các vùng quanh mắt, tai, gáy, môi và cả các ngon chân.

Tốt nhất, bạn hãy thoa kem chống nắng trước khi ra nắng khoảng 20 đến 30 phút, cách 01 đến 02 giờ hãy thoa lại một lần. Và nếu có dự định bơi nhiều hãy chọn kem chống nắng không thấm nước và nên thoa luôn ngay sau khi bơi cũng như chơi thể thao xong.

#2. Mặc đồ bảo hộ chống nắng

Ngoài việc phải thoa kem chống nắng bắt buộc, để chống nắng hiệu quả hơn bạn cũng nên mặc đồ chống nắng.

Hãy mặc quần áo dài tay nếu được. Nếu không muốn mặc quá nhiều quần áo, đừng quên đội mũ và mang kính râm để bảo vệ tóc và mắt bởi vì đây là những vùng, bộ phận cơ thể kem chống nắng không thể bảo vệ được.

#3. Chọn chỗ có bóng râm và bóng mát

Như đã nói các bãi tắm biển thường có rất ít các bóng râm, bóng mát nhưng nếu có hãy tận dụng những nơi dâm mát như dưới những tán cây, những tòa nhà hoặc tự tạo cho mình một chỗ râm mát để nghỉ ngơi như những chiếc ô rộng, những chiếc phông bạt lớn.

Những khu vực bóng râm, bóng mát này sẽ bảo vệ bạn khỏi các tia UV. Đây là cách chống nắng đơn giản và cơ bản nhất khi đi tắm biển.

#4. Chống nắng bằng chế độ ăn uống phù hợp

Như mình đã trình bày trong những lưu ý khi đi tắm biển, việc cung cấp nước đầy đủ cho cơ thể vô cùng quan trọng khi đi tắm biển. Nhưng ít ai biết rằng, đây cũng là cách chống nắng biển vô cùng hiệu quả ngay từ bên trong cơ thể, giúp cơ thể chống say nắng và khô da.

Ngoài ra, các món ăn như rau trộn, trái cây và các loại hạt vô cùng có lợi cho việc bảo vệ cơ thể khỏi ánh sáng. Như vậy có thể thấy một chế độ ăn uống phù hợp cũng là một cách chống nắng vô cùng hiệu quả.

IV. Cách ngăn ngừa và trị sứa đốt khi đi tắm biển

Ở nước ta sứa biển có mặt trong hầu hết các tháng trong năm tuy nhiên đối với những tháng mùa hạ – mùa của du lịch biển thì sứa có mặt nhiều nhất. Sứa là loài động vật biển có xúc tu dài, mỗi xúc tu có các sợi lông dạng xoắn hình dạng giống chiếc kim và chứa đầy nọc độc. Hầu như các trường hợp bị sứa đốt đều là do trong khi bơi, lặn vô tình chạm vào sứa, khi đó, xúc tu của nó tiếp xúc với da người và phóng nọc độc như một cách tự vệ. Khi bị sứa cắn, các độc tố này sẽ ngấm qua da người xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy tìm hiểu cách ngừa và trị sứa đốt khi đi tắm biển cũng rất quan trọng.

Đi tắm biển

Sứa biển – Ảnh Pexel

#1. Cách ngừa bị sứa cắn

Sứa thường xuất hiện hầu hết vào mùa du lịch biển vì vậy rất khó tránh khỏi việc đối đầu với nguy cơ bị sứa đốt. Trong khí đó, những con sứa lại có màu trong suốt nên rất khó được phát hiện để có thể chủ động tránh, vì thế, việc xử lý những vết sứa đốt như thế nào được nhiều người đi nghỉ ở biển quan tâm.

#a. Hạn chế tắm biển vào mùa có nhiều sứa biển

Khung giờ 16h – 18h, giờ thủy triều lên, cũng là lúc sứa hoạt động mạnh nhất, vì vậy hạn chế xuống biển giờ này cũng là một cách tự bảo vệ bản thân trước sự tổn thương của sứa.

#b. Mặc áo khi tắm biển

Mặc áo được xem như là lớp bảo vệ, ngăn không cho các xúc tua cũng như gai sứa tiếp xúc trực tiếp với da. Tuy nhiên tắm biển mà mặc áo thì không được xem là kế sách khả thi!

Ngoài ra, khi đi du lịch biển các bạn nên chủ động mang theo một số loại thuốc giảm ngứa, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau… để phòng khi bị sứa đốt thì chủ động xử lý để bảo vệ mình và người thân khi tắm biển.

#2. Cách trị sứa đốt khi tắm biển

Vết thương do sứa đốt thường có dấu hiệu sưng đỏ (do da dị ứng với độc tố), quanh vùng đốt có cảm giác nóng rang, trường hợp nhẹ không đáng ngại nhưng nếu bị đốt nặng, tức lượng độc lớn sẽ có những triệu chứng nhức đầu, co thắt cơ bắp (đặc biệt là bắp chân). Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, ngay khi bị sứa đốt, các bạn cần nhanh chóng rời khỏi mặt nước, tránh khỏi nguồn gây bỏng và di chuyển lên chỗ an toàn càng nhanh càng tốt, trước khi bắp chân co quắp khiến cơ thể mất cân bằng, ngã khụy, ngộp nước.

Ngay khi vào bờ an toàn, nhanh chóng rửa vết thương bị sứa đốt bằng nước biển hoặc nước muối đậm đặc để làm sạch các tế bào phóng độc chưa bị kích hoạt. Trường hợp này, không nên làm sạch vết thương bằng nước ngọt hoặc nước nóng vì nước ngọt là chất kích thích, có thể khiến những tế bào chứa gai nhọn tiếp tục phóng độc, như vậy vết thương sẽ lan rộng ra hoặc bị nặng thêm. Trong khi đó, nước nóng, với áp lực từ nhiệt độ, lỗ chân lông nang da mở rộng, chất độc cũng vì vậy mà lan nhanh hơn, rất khó kiểm soát.

Sau đó, tiến hành loại bỏ các xúc tu bám vào vùng da bị sứa đốt, và dùng các vật cứng, có cạnh (vỏ các loại ốc, sò…) để chà xát, loại bỏ hết gai sứa ra khỏi vết thương. Lưu ý, khi sơ cứu cho nạn nhân, các bạn cần đeo găng tay hay dùng túi nilon để bọc tay, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với các xúc tu hoặc gai sứa gây tổn thương gián tiếp.

Nhanh chóng trung hòa các độc tố trên vết thương bằng cách pha dung dịch gồm 10 phần nước với một phần amoniac, dấm, một phần soda/bột ngọt sau đó bôi vào vùng bị thương. Trường hợp không có sẵn những chất trên có thể thay thế bằng cách dùng giấm ăn thoa giấm vào vùng da bị sứa cắn sẽ giúp giảm đau và ngăn chặn độc tố lan tỏa hoặc dùng chanh chà vào trực tiếp lên vết thương cũng cho ra kết quả tương tự. Trường hợp không có chanh, dấm có thể dùng mật ong, rượu (bất kỳ loại rượu nào), dội lên vùng bị thương rồi băng lại. Có thể chườm đá lạnh lên vùng bị thương nhằm tạo cảm giác tê, giảm đau, bớt sưng tấy và hạn chế sự lan rộng của nọc độc sứa.

Bên cạnh đó, hoa muống biển loài hoa mọc dại ven các bờ cát cũng là một mẹo vặt dân gian dùng để trị vết thương sứa đốt, làm lành da nhanh. Sau khi loại bỏ các xúc tu, gái sứa còn găm trên da của nạn nhân, nhai nát vài lá rau muống biển rồi đắp trực tiếp vào phần da tổn thương.

Sau khi tiến hành các phương pháp xử lý tạm thời cần để nạn nhân nghỉ ngơi và theo dõi trong vòng 8 tiếng. Trong trường hợp bị nặng hơn (có các triệu chứng như đau đầu không dứt, khó thở, tím tái, buồn nôn…), thì giải pháp trên chỉ là tạm thời, phải nhanh chóng đưa nạn nhân đi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất. Lưu ý, đối với các tổn thương do sứa cắn cần phải được hạn chế cử động, tránh va chạm, tiếp xúc vào vùng bị thương. Vì vậy, khi di chuyển nạn nhân nên sử dụng băng ca hoặc hạn chế tác động mạnh đến vùng tổn thương.

Sau khi vùng bị đốt đã khô, và được làm sạch độc tố. Các bác sỹ sẽ tiến hành các chăm sóc y tế đặc hiệu cho các tổn thương do sứa cắn như dùng liệu pháp cordicosteroid, antihitmine cục bộ hoặc bôi kem gây tê 4 giờ/lần trong vài ngày.

#3. Một vài lưu ý khi trị sứa biển đốt khi tắm biển

Giấm không được khuyến nghị sử dụng cho vết đốt của loài sứa “Portuguese man o’war” vì đây là loại sứa gây chết người.

Nếu vết thương ngay vùng mắt hay gần mắt, không được nhỏ, thoa, đắp bất cứ dung dịch nào lên vì đây là vùng nhạy cảm. Các bạn chỉ có thể nhúng khăn hoặc miếng vải sạch vào dung dịch và chấm nhẹ quanh mắt mà thôi.

Khi sử dụng dung dịch trung hòa các độc tố trên vết thương không nên đắp trên da lâu hơn 15 phút, sẽ gây tổn thương sâu cho vùng da và ảnh hưởng đến các vùng da lân cận.

Những hiểu biết về cách phòng ngừa cũng như trị sứa đốt là những điều bạn cần phải biết để xử lý những tình trạng bất ngờ khi tắm biển đồng thời cũng giúp cho bạn bè, người thân của bạn an tâm hơn trong những chuyến du lịch biển. Hè đến rồi, cùng bỏ túi những “bí kíp” và set kèo lên đường bổ sung “Vitamin Sea” đi nào!

Huỳnh (PR+)