Dinh Thầy Thím, điểm du lịch tâm linh ở La Gi, Bình Thuận
Xưa kia, có một cặp vợ chồng vô danh đến ở vùng đất Tam Tân thuộc thị xã Lagi, Bình Thuận. Vì ghi nhớ công ơn, nên khi mất, người dân nơi đây đã lập đền thờ cúng họ. Vì không biết họ tên gì nên gọi họ là Thầy và Thím. Từ đó, Dinh Thầy Thím được người dân khắp nơi biết đến và được công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Ảnh muinetourism.vn
Giới thiệu về Dinh Thầy Thím
Dinh Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng Bàu Cát thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Đây là khu di tích lịch sử văn hóa được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng, ngắm cảnh và đặc biệt là cúng bái nhất là vào dịp tảo mộ (ngầy 5 tháng giêng âm lịch) và hội Dinh Thầy (15, 16 tháng 9 âm lịch).
Xung quanh Dinh chỉ toàn cây cối và những vùng đất hoang nên nhìn rất lạnh lẽo, heo hút, huyền bí đối với những ai từ phương xa đến.
Sự tích Dinh Thầy Thím
Truyền thuyết kể rằng, xưa ở Quảng Nam có một đạo sĩ nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Khi làng của Thầy gặp nạn, thương dân, Thầy lập đàn khấn nguyện và được như ý muốn của dân. Không lâu sau đó, tin đến tai vua, triều đình tố Thầy âm mưu gây bạo loạn. Để lánh nạn, vợ chồng Thầy cưỡi rồng vào phương Nam và Tam Tân là chốn dừng chân cuối cùng. Thầy bốc thuốc chữa bệnh cho dân, sống cuộc đời bình thản giữa rừng sâu hoang dã.
Sau khi vợ chồng Thầy Thím qua đời, họ vẫn phù hộ cho người dân trong làng tai qua nạn khỏi, sức khỏe dồi dào, làm ăn khắm khá. Đặc biệt, có một điều tâm linh, huyền bí ở đây là cứ vào dịp tảo mộ hằng năm lại có một đôi hắc, bạch hổ về tảo mộ, canh gác cho ngôi mộ. Tiếng lành đồn xa đến tai vua Tự Đức, vua tìm hiểu căn nguyên và xóa án oan cho đôi vợ chồng, cho lập dinh để thờ cúng.
Ngày nay, sau nhiều năm phục dựng, phát triền, Dinh Thầy Thím như ngôi nhà cổ để người dân mọi nơi trở về thăm, cúng bái, cầu nguyện sau hành trình rong ruổi của cuộc đời.
Ảnh newvietart.com
Kiến trúc Dinh Thầy Thím
Kiến trúc của dinh như một ngôi nhà cổ với những gian nhà được sắp xếp theo thứ tự nhất định. Dinh Thầy Thím được xây dựng với vật liệu chủ đạo là gỗ. Phía trên có những mái ngói đỏ cong vút, những bức tượng đắp nổi lên trên vách, những pho tượng bên ngoài khiến ta có cảm giác như nơi ta tìm về để tưởng nhớ tổ tiên.
Ảnh kienthuc.net.vn
Các công trình kiến trúc của dinh đều quay về hướng Tây như cổng chính, võ ca, chính điện, mộ Thầy Thím,…Đặc biệt, chính điện, võ ca sử dụng lối kiến trúc “tứ trụ” – một mô hình kiến trúc tôn giáo rất phổ biến ở Bình Thuận thế kỉ 18-19.
Nhà võ ca – Ảnh m.aseantraveller.net
Khu mộ Thầy Thím
Người Việt Nam chúng ta có niềm tin vào tín ngưỡng, sùng bái các đấng linh thiêng nên khi du khách đến tham quan Dinh Thầy Thím không bao giờ quên ra thắp hương, cầu nguyện, cúng bái. Việc làm này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Ảnh muachung.vn
Khu mộ Thầy Thím cách dinh khoảng 2km về phía Tây. Vì nằm giữa núi rừng nên xung quanh mộ tràn ngập bóng mát của những cây cổ thụ. Khu mộ có 4 nấm mồ đắp bằng cát trắng thành 2 hàng. Theo người xưa kể lại, đôi mộ phía trước là mộ Thầy Thím còn đôi mộ phía sau là đôi Hắc – Bạch Hổ, là vệ sĩ bảo vệ Thầy Thím.
Lễ hội Dinh Thầy Thím
Dinh có 2 dịp lễ lớn trong một năm. Đó là lễ Tảo Mộ (mùng 5 tháng giêng âm lịch) và lễ Tế Thu (14-16 tháng 9 âm lịch). Những ngày này, mọi người khắp đất nước cùng nhau đổ về thắp hương nên khắp nơi đều nghi ngút khói. Thế giới tâm linh mở ra,bao con người Việt Nam ta hòa vào thế giới ấy để tưởng nhớ và cầu nguyện tổ tiên.
Sau lễ còn có hội. Có các tiết mục hấp dẫn như biểu diễn lân sư rồng, chèo bã trạo, diễn xướng sự tích Thầy Thím, võ thuật, múa lân,…Người dân đến đây xin lộc, cầu xin bình an, sức khỏe, phóng sanh thả chim về rừng để củng cố niềm tin, tìm sự thanh thản trong tâm hồn.
Lễ Nghinh thần ở Lễ hội Dinh Thầy Thím
Bãi biển sát Dinh Thầy Thím
Nhắc đến Dinh Thầy Thím, người ta không chỉ nhớ đến nơi linh thiên, huyền bí mà còn là một địa điểm có phong cảnh biển tuyệt đẹp. Cách dinh khoảng 3km, bãi biển Tân Hải, mỏm Đá Chim mê đắm lòng người bởi dòng nước mát nhấp nhô những gợn sóng xanh trong, bờ cát trắng mịn, rặng dừa xanh cong vút. Sau khi viếng dinh, mộ xong, đắm mình vào không khí trong lành, mát dịu này vừa ngắm trời mây, vừa ngắm biển thì còn gì tuyệt vời hơn thế. Đã là biển thì đặc sản không gì khác ngoài hải sản cả. Ở đây có bán các loại hải sản tươi sống, chế biến sẵn để quý khách lựa chọn thưởng thức.
Ảnh traitimviettravel.vn
Đến với Dinh Thầy Thím, bạn vừa được bước vào thê giới linh thiêng để khấn vái, cầu nguyện, tưởng nhớ đấng linh thiêng, vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi biển thanh bình. Cuộc sống bộn bề lo toan mệt mỏi chỉ cần những phút giây như thế để xoa dịu đi những nỗi phiền muộn thầm kín, để ta có cơ hội cảm nhận được trên thế gian này cũng có thời khắc bình yên đến lạ!
Thu Hằng