Dinh Vạn Thủy Tú, nơi cất giữ bộ cốt cá Ông lớn nhất Đông Nam Á

Với lịch sử lâu đời cùng với kiến trúc vô cùng độc đáo, dinh Vạn Thủy Tú ở Phan Thiết có một vẻ đẹp đầy trang nghiêm, cổ kính và từ lâu nó đã trở thành biểu tượng của tín ngưỡng thờ cá Ông của ngư dân Bình Thuận. Đây là một điểm du lịch Phan Thiết vô cùng nổi tiếng tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng. Giá vé tham quan chỉ có 5000 đồng/trẻ em và 10000 đồng/người lớn.

Dinh Vạn Thủy Tú

Cổng vào Vạn Thủy Tú. Ảnh: Wikipedia

Dinh Vạn Thủy Tú là đình thờ các xương cá Ông. Tại đây, có khoảng 600 bộ xương lớn nhỏ của các “Ông”, “Bà”,… Trong đó có một xương cá Ông được coi lớn nhất Đông Nam Á.

Theo truyền thuyết dân gian sau khi nơi đây xây xong, có một Ông rất lớn (dài 22m, nặng 65 tấn) trôi dạt vào bờ phía trước. Ngư dân tại đây đã đưa Ông vào mai táng trong khuôn viên của dinh Vạn Thủy Tú.

Dinh Vạn Thủy Tú

Bộ cốt cá Ông lớn nhất Đông Nam Á được đặt một gian riêng trong Vạn Thủy Tú – Ảnh @divyamamana

Trong tín ngưỡng của ngư dân Việt Nam nói chung và vùng Nam Trung Bộ nói riêng, cá Ông (ở đây là cá voi) được xem là một hải thần, vị thần tối cao phù hộ cho các người dân đi biển. Theo tín ngưỡng này, mỗi lần “Ông” lụy (chết) và dạt vào bờ, người dân chài phát hiện được sẽ tổ chức lễ cúng và tang lễ rất trang trọng và cung kính. Người ta còn cho rằng, người đầu tiên nhìn thấy “Ông” lụy được “Ông” nhận là con trưởng và có trách nhiệm an táng ngài.

Dinh Vạn Thủy Tú

Các bộ cốt cá Ông khác được lưu trữ trong Vạn Thủy Tú – Ảnh @natashasatcuta

Tục thờ cá Ông là một tín ngưỡng dân gian của vùng duyên hải miền Trung và miền Nam Việt Nam (từ Thanh Hóa trở vào). Đây là tín ngưỡng của cư dân vùng biển, hay còn gọi là vạn chài bắt nguồn từ người Chăm trải qua giai đoạn bản địa hóa tục này đã trở thành của người Việt và người Hoa.

Bên cạnh nét tín ngưỡng này, dinh Vạn Thủy Tú còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa Hán – Nôm liên quan đến nghề biển. Điều đó được thể hiện qua việc thờ phụng ở các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, câu đối, văn khắc của đại hồng chung,…

Nơi đây cũng là một trong những di tích cổ có số lượng lớn sắc phong của các vị vua triều Nguyễn ban tặng với khoảng 24 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Đặc biệt, riêng đời vua Thiệu Trị đã từng ban tặng 10 sắc Thần, so với những di tích khác thì đây là một điều hiếm thấy.

Năm 1996, dinh Vạn Thủy Tú được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ đó, lượng du khách đổ về đây cũng nhiều hơn và sự quan tâm của chính quyền dành cho nơi này cũng nhiều hơn. Năm 2003, bộ xương lớn nhất trong đình đã được phục dựng và trưng bày tại khu tham quan của dinh.

Đình Vạn Thủy Tú được chia thành nhiều gian thờ khác nhau. Hương án chính giữa củ Vạn Thủy Tú thờ Nam Hải Cự tộc Ngọc lân Tôn thần (tức ông Nam Hải), khám bên trái thờ Hy hoàng Thái hiệu Tiên sư Tôn thần (ông tổ nghề nông ngư nghiệp), khám bên phải thờ Thủy long Thánh phi Nương nương Tôn thần (nữ thần nước). Và bên cạnh đó, trong Vạn Thủy Tú cũng dành một bàn thờ riêng cho bộ cốt của cá Ông lớn nhất cũng như dành không gian riêng để lưu trữ các bộ cốt cá Ông khác.

Dinh Vạn Thủy Tú

Một gian thờ trong Vạn Thủy Tú. Ảnh: mytour.vn

Hàng năm tại đây đều diễn ra các kỳ tế lễ được tổ chức trang trọng vào các ngày âm lịch như 20/2 – Tế Xuân; 20/4 – Cầu ngư; 20/6 – Chính mùa; 20/7 – Chèo dọc và 23/8 – Mãn mùa. Xen kẽ với quá trình diễn ra nghi lễ là các hoạt động như hát bội, diễn bã trạo, hội đua ghe,… thu hút rất nhiều du khách đến tham gia và hòa mình vào lễ hội.

Dinh Vạn Thủy Tú đối với người dân Bình Thuận không chỉ là một di tích văn hóa đơn thuần. Nó là cả một nét văn hóa lâu đời, một niềm tin thiêng liêng của những người con của biển với những vị thần, vị tổ nghiệp đã chở che, mang lại cho họ cuộc sống đầy đủ khi gắn mình với biển.

Vạn Thủy Tú chẳng có thể bao giờ hoang tàn hay mục nát. Bởi ngày nào người dân Bình Thuận còn sống với nghề biển, ngày nào những con thuyền vẫn ra khơi và mang về những mẻ lưới đầy cá tôm thì lòng tin, sự sùng bái của người dân với cá Ông, với thần linh vẫn còn mãnh liệt và tồn tại.

Nếu có dịp đến với thành phố biển Phan Thiết, ngoài bãi biển Đồi Dương, dinh Vạn Thủy Tú là nơi mà bạn không thể không ghé thăm. Vì chỉ cần ghé qau một nơi đây thôi, bạn sẽ hiểu thêm rất nhiều điều về biển, về con người xứ biển Bình Thuận này.

P.K.C

Huỳnh (PR+)