Đôi khi ta quên

Trên đường đến chỗ làm, tôi thấy một cảnh tượng như vầy. Góc ngã tư đèn đỏ có bà cụ cũng ngoài năm mười tuổi, nhấp nhấp chiếc xe đạp cũ nương qua bên kia đường, phía sau là một thằng bé mặc đồng phục tiểu học. Thằng bé ôm chặt bà nó, khuôn mặt rạng ngời nụ cười. Đoán chắc bà lo thằng cháu trễ học, bất chấp mà băng vội sang bên kia đường. Bà nó vượt đèn đỏ, và nó vẫn người toe, ngồi ngay ngắn phía sau yên xe. Tôi tự hỏi, không biết đến khi nó đủ lớn, có còn vẹn nguyên nụ cười này dành riêng cho bà nó, bất chất bà có làm sai điều gì. Bởi lẽ, tôi thấy rõ mồn một thằng tôi của ngày xưa, cũng hay vòi theo bà Nội mỗi lần bà xuống chợ cảng để buôn cá. Tôi nhớ tôi hay trèo vào ngồi gọn gàng trong gánh của bà, vui niềm vui trẻ nhỏ. Và tôi của bây giờ, đã đuổi gọn thằng tôi ngày đó, đi đâu?

Có lần, tôi nghe một người nói rằng, khi bạn lớn lên và có những thành công nhất định, bạn sẽ mong người thân của mình cũng sẽ ở cũng vị thế giống mình, cư xử giống mình, thích những thứ giống mình, ghét những thứ giống mình. Bạn muốn Ông Bà, Ba Mẹ  của mình phải sống bằng cách bạn sống, quen biết những người bạn muốn, tránh xa những điều bạn không muốn. Ngẫm lại, tôi cũng cư xử gần gần như thế, không ít lần…

Đã có những lúc, tôi chê Ba sao mà lập dị. Cứ đòi đến thăm những người bạn cũ, cứ nhắc mãi về chuyện xa lắc xa lơ hồi còn ông còn trẻ, chuyện nghề lưới, nghề chài, chuyện con cá con tôm. Tôi đâu có nhớ, nghề nào đã nuôi anh em tôi khôn lớn. Đâu phải cái nghề cao sang nào khác, ngoài chiếc ghe và mảnh lưới ba tôi đã gắn bó trọn một kiếp người?

Đã có những lúc, bà Nội cứ kể hoài về những chuyện ngày tôi còn bé, rồi lại nhắc đi nhắc lại những chuyện tương tự mỗi ngày. Tôi cứ bứt rứt khó chịu trong người, rồi đâm ra bẩn tính. Tôi cũng đâu có nhớ, đêm nào bà cũng thức cũng những mẫu chuyện bà hay kể bây giờ, tay trái cầm quạt, tay phải gãi rôm sống lưng thằng tôi của mười mấy năm về trước.

Đã có những lúc, tôi cằn nhằn Mẹ cứ nấu hoài món canh chua cá nục, thả đũa vội vàng, tỏ ý chẳng buồn ăn. Bạn quên rồi, ngày còn  bé, có thằng nhóc nào cứ đòi mẹ cho ăn cá nục, còn hứa sau này ngày nào cũng muốn mẹ nấu cho mà ăn.

Đã có những lúc,  quà  quê được gửi vào từ nhà Ngoại. Món khoai lang chà được bà và các dì kì công làm ra, bạn chẳng buồn nhìn.  Bạn chê ỏng chê ẹo cái món cứng ngắt rẻ tiền. Bạn hẳn chẳng còn nhớ ngày xưa nữa lúc bạn khóc lóc giành cho được chén khoai chà dầm nước nóng từ con bé nhà hàng xóm.

Đôi khi ta quên

Hình ảnh hai bà cháu với chiếc xe đạp cũ đã hòa dần vào đám đông phía bên kia đường. Tôi nhận ra một điều quý giá.

Tôi sẽ tìm lại thằng tôi của những năm về trước. Sẽ chăm chở Ba đi thăm bạn bè ông, giúp bà săn sóc luống rau sau nhà, ngồi nghe bà kể chuyện ngày xưa ngày xửa. Tôi sẽ ngồi ăn trọn buổi cơm chiều với mẹ, khen cá nục mẹ nấu là ngon nhất trên đời. Tôi sẽ gọi về hỏi thăm bà Ngoại với mấy dì sau ngần ấy năm biệt tích…

Xã hội hiện đại, người ta đang chạy đua trên cao tốc cuộc đời. Người ta sa đọa trong hạnh phúc xa hoa, những tiện nghi bậc nhất. Lắm lần quên mất những thứ lẽ ra phải mang theo trong suốt hành trình mình đã đang và sẽ sống. Người thân không phải là bầu trời mặt đất, họ không ở bên ta cả đời. Cũng giống như những lần, tôi gặp ông Nội ở trong giấc mơ vội vàng, choàng tỉnh, ông chẳng còn, ở trên đời thêm một lần nào nữa!

Ngộ

Huỳnh (PR+)