Gánh tàu hủ ân tình của Mẹ

Thằng Ân chạy ra ngõ, mắt buồn hiu trông về phía cây bạch đàn rực hoa vàng. Mẹ nó chưa về. Mấy ngày nay mẹ thằng Ân về trễ hơn mọi hôm.

Từ hồi trở gió, gánh tàu hũ của mẹ nó ít khi nào nhìn thấy đáy, hôm nào cũng còn lưng lưng lúc mẹ gánh về. Phan RÍ cuối tháng giêng đói lắm, quán xá nào cũng ế ẩm, những gánh hàng rong cứ thế càng đáng thương hơn.

Mẹ nó gánh Tàu hủ đi từ lúc mặt trời đứng bóng, nắng chảy dài những giọt mồ hôi mặn, ướt lưng ướt tóc, nón lá mỏng manh nào xua được cái nắng trưa như cắt, như xuyên thấu vào thịt da.

Gánh tàu hủ ân tình của mẹ

Phan Rí có người giàu kẻ nghèo, người no đủ, kẻ thiếu thốn. Không biết người giàu có mỗi ngày có bớt giàu một chút không, chứ người nghèo như mẹ con nó thì vẫn hoàn cảnh nghèo, mỗi ngày thêm chứ không bớt, cộng dồn thêm một nỗi bi ai.

Mỗi lần nhìn mẹ với gánh hàng rong, thằng Ân tự nhủ mình sẽ cố tâm phấn đọc học hành, sau này mang mẹ ra khỏi kiếp con ngừơi chưa một lần được sung túc, ấm no.
Ai chẳng muốn được no ấm đủ đầy, nhưng trong cuộc chiến mưu sinh, có kẻ thắng người thua. Kẻ lười có cái kết không đẹp đã đành, người chân phương, năng làm cũng khó lòng thoát khỏi cái nghèo dai dẳng.

Đằng sao tiếng rao lanh lảnh buổi trưa nắng gắt gỏng, là mồ hôi, nước mắt, là nỗi lo gánh hàng vẫn chưa vơi nhiều, tối về mấy đứa con nhỏ chẳng có nỗi một bữa cơm ngon.

Sát bên nhà thằng Ân, có một con bé tên Tình. Dưới mái lều tranh chỗ lành, chỗ dột, hai bà cháu dắt dìu bên nhau qua tháng năm. Xóm nghèo, nhà con Tình cảnh khổ còn éo le hơn, bà nó lưng còng mắt mờ, mỏi mòn tuổi già kiếm miếng ăn cho đứa cháu mồ côi. Bà ra khỏi nhà lúc tiếng gà vừa cất, tay vác bị ni lông cũ kĩ đi nhặt từng lon bia hộp giấy người ta vứt dọc con đường. Bữa nào may mắn được người ta thương cho ít ve chai thì con Tình được thêm chút thịt chút cá cho một bữa cơm lành

Con Tình con nhỏ dại, vẫn biết phụ bà sáng sáng quét sân nhà, biết tự giác nhốm lửa bắt nồi cơm, cái nào khó nhằng chạy qua nhờ thằng Ân giúp giải vây.

Một ngày trời gió, mẹ thằng Ân về nhà rất vội, gánh tàu hủ còn ăm ấp đầy. Mẹ bảo thằng ân gọi cả đám trẻ trong sớm lại ăn miễn phí. Xóm nghèo mà, đám con nít sáp lại ríu ra ríu rít bên thạp đậu hũ, húp húp tấm tắt khen ngon.

Cũng ngày đó, bà con Tình ra đi mãi mãi, bà bị đột quỵ dưới cái nắng trưa bên chân cầu Hòa Phú, được tin dữ nên mẹ thằng ân mới vội vã trở về.

Sau ngày tháng giêng đầy gió ấy, con Tình về làm em gái thằng Ân. Lớn lên cùng gánh tàu hủ nóng. Thằng Ân tự nhiên có thêm đứa em gái, con Tình lại được gọi tiếng Mẹ thiêng liêng.

Những năm về sau có thêm phần vất vả, mẹ nó vẫn nuôi cho hai anh em đi học thành người, công việc ổn định. Cảnh khổ rồi cũng qua, mẹ thằng Ân, con Tình không còn phài bương chải bên gánh tàu hủ nóng. Nhưng cả thằng Ân lẫn con Tình chưa bao giờ hết thương tiếng rao của mẹ, lớn lên vẫn mãi mãi không quên. Mỗi lần nghe tiếng rao “Ai ăn đậu hủ hông”, hai đứa lại thương về những ngày xưa thiếu thốn trăm bề, thương cái tình rất con người của mẹ, chủ nhân của tiếng rao năm ấy, bên gánh tàu hủ chan chứa ân tình.

Tàu hủ nóng cả đời người vất vả
Mong cho con khôn lớn thật đủ đầy
Tiếng rao ấy mẹ mang đi trăm ngả
Lớn khôn nhờ một tay mẹ dựng xây!

Ngộ

 

Huỳnh (PR+)