Lầu Ông Hoàng, dĩ vãng vàng son hiện tại hoang tàn

Du lịch Phan Thiết có lẽ không chỉ đẹp với thiên nhiên biển xanh, cát vàng mà còn đẹp bởi những công trình kiến trúc nhân tạo rực rỡ từ thời Pháp thuộc. Đó là những địa điểm như Nhà thờ chính tòa Phan Thiết, Lầu Ông Hoàng, tòa nhà Bưu điện Bình Thuận, tháp nước Phan Thiết…

Lầu Ông Hoàng
Bức ảnh được cho là Lầu Ông Hoàng – Ảnh Nguyễn Văn Anh

Những công trình này không những có tính thẩm mĩ cao mà còn là nơi lưu giữ hồi ức về Phan Thiết phồn thịnh một thời. Tuy nhiên, khi bánh xe thời gian lăn đi, rất nhiều công trình đã không còn nguyên vẹn tới ngày nay. Trong đó, Lầu Ông Hoàng ngày xưa lộng lẫy, to lớn đến chừng nào thì nay đã chìm vào hoang phế.

Lầu Ông Hoàng là tên gọi dân dã dành cho khu biệt thự với diện tích rộng khoảng 536 m2 nằm trên đồi Bài Nài. Khu biệt thự này có vị trí cao hơn mực nước biển 105m, cách Tháp Pôshanư và tháp canh lô cốt khoảng 500m, cách trung tâm Phan Thiết khoảng 7km.

Biệt thự này thuộc quyền sở hữu của một công tước người Pháp tên De Montpensier, được xây dựng từ năm 1911 (chính xác khởi công xây dựng là vào ngày 21 tháng 2 năm 1911).

Lầu Ông Hoàng với nguyên liệu xây dựng chủ yếu là đá hoa cương được đánh giá là công trình hiện đại bậc nhất của Bình Thuận thời bấy giờ. Ngôi biệt thự có tổng cộng 13 căn phòng lớn với đầy đủ tiện nghi, trong biệt thự có cả máy phát điện dưới tầng hầm và bể chứa nước rất lớn với lượng nước có thể dùng quanh năm.

Sau một thời gian sinh sống ở đây, công tước De Montpensier đã bán lại cho Prasetts, một chủ khách sạn người Pháp. Sau đó nữa, biệt thự này thuộc sở quyền sở hữu của vua Bảo Đại.

Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã từng nhiều lần ghé thăm Lầu Ông Hoàng và có nhiều chuyện kể lại rằng đây là nơi mà thi sĩ cùng giai nhân Mộng Cầm từng hẹn hò, cùng ngắm trăng,… Hơn thế nữa, Hàn Mặc tử đã đem địa điểm này vào thơ của mình trong bài “Phan Thiết Phan Thiết” với những vần thơ da diết như:

“…Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết…”

Đến khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam lần 2, Pháp xây dựng thêm những lô cốt quanh biệt thự. Từ đó, những cuộc chiến ác liệt diễn ra quanh đó đã cướp mất đi sự nguy nga, lộng lẫy ngày nào. Lầu Ông Hoàng bị tàn phá đã đành, lại thêm không có ai trông nom, quản lí nên đến nay những gì còn lưu lại chỉ là những góc tường, những đống gạch hoang tàn.

Lầu Ông Hoàng một thời là nơi lãng mạn, hữu tình đi cả vào thơ ca giờ chẳng còn lại gì xứng đáng để “trình diện” cho thế hệ sau chiêm ngưỡng.

Một điều đáng buồn hơn là di tích Lầu Ông Hoàng không được biết đến một cách tường tận và bị rất nhiều du khách nhầm lẫn với di tích tháp lô cốt của Pháp gần đấy.

Lầu ông Hoàng
Tháp lô cốt hay bị nhầm lẫn là Lâu ông Hoàng – Ảnh Kiến Thức

Nhìn lại một chặng đường lịch sử của Lầu Ông Hoàng, nhìn lại những góc ảnh xinh đẹp ngày nào của ngôi biệt thự, có lẽ không ít người cảm thấy nuối tiếc cho một công trình đáng lẽ đã “để đời” giờ chỉ còn là những góc tường đổ nát tầm thường.

Lầu Ông Hoàng sẽ vẫn tồn tại trong lòng của những người con Phan Thiết nói chung và người Việt Nam nói riêng. Lời ca về nơi này chắc có lẽ sẽ còn vang mãi trong giai điệu du dương từng đi vào lòng người không biết bao thế hệ: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua. Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng…” (Bài “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh).

Nhưng nó sẽ được nhớ đến tới bao giờ khi bản thân nó đã không còn tồn tại nguyên vẹn, hữu hình trên mảnh đất Phan Thiết đầy nắng gió? Những tấm ảnh lung linh đã cũ khi xưa liệu có thể lưu giữ được tất cả kí ức đẹp về Lầu Ông Hoàng cho những thế hệ mai sau biết đến?

Với mục đích tái tạo lại phế tích Lầu Ông Hoàng, các di tích chiến tranh và tái hiện lại một phần chuyện tình của Hàn Mặc Tử và nữ sĩ Mộng Cầm, hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn quyết định phê duyệt Dự án xây dựng điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng.

Phối cảnh Điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng
Phối cảnh Điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng – Ảnh Phương Nam/Pháp Luật TPHCM

Dự án Điểm du lịch văn hóa Lầu Ông Hoàng có tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ VNĐ sẽ gồm các công trình chính như: cổng chào, xây mới nhà truyền thống, xây mới nhà vệ sinh, sửa chữa tháp canh, sửa chữa 11 lô cốt. Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2023.

Huỳnh (PR+)