Những hạt giống trao tay
Mùa xuân năm An mười lăm tuổi Bác Mười có ghé thăm gia đình An. Vốn biết An thích trồng cây, nuôi cá Bác mang cho An bốn loại hạt giống khác nhau: hạt ớt hiểm, hạt bầu hồ lô, đậu bắp và cải rổ. Nhận được quà An mừng lắm, nhưng mừng đó lại buồn đó, gia đình An làm gì có đủ khoảng đất mà trồng biết bao nhiêu là hạt Bác giao. Ngẫm nghĩ mãi, An mới quyết sẽ giữ lại vài hạt trông tủ lạnh để tranh thủ gom thêm chậu trồng, những hạt còn lại An mang đi biếu hết. Nhưng mà biếu ai đây nhỉ? An trộm nghĩ, bao nhiêu hạt giống này là cái tình của Bác trao cho mình, mình trao không đúng người, hạt sẽ chẳng thành mầm con, thành cây cho quả, coi như công sức bác mang ra cho mình đi đời. An đi loanh quanh trong xóm, ngó ngửa ngó nghiêng xem những gia đình nào nàng có thể nhờ cậy trông nom giùm những hạt giống của mình. Suốt một buổi nghe ngóng tình hình, An quyết định gõ cửa 1 vài nhà hàng xóm.
Nhiều tháng trôi qua, cứ dăm ba bận, ba mẹ lại khoe nhà cô Năm mang bầu hồ hồ sang. Hay dăm bữa lại thấy rổ đậu bắp xanh mởn trên bàn đá của bác Tám. Lâu lâu lại là vài lá bắp cải mơn mởn hay đĩa ớt xanh còn vương thoảng vị cay nồng.
Mùa xuân năm An 25 tuổi, chút tiền dành dụm ba mẹ An mua lại được miếng đất nhỏ kế bên nhà. Sửa sang lại đôi chút, Ba mẹ quyết định dành miếng đất bé tí phía sau làm vườn cho riêng An. An lại mừng lắm, lần này không phải tiếc đứt ruột mỗi lần bụng muốn trồng chút cây vườn, mà dạ thì ngại e chẳng có nơi nào dung chứa. Đang loay hoay với ý định sẽ trồng những thứ gì, An phát hiện ngoài kia cô bé Đậu Tây đang lấp ló trước bờ rào. An bước ra. Đậu Tây lém lĩnh nhìn An, trên tay là những hạt bé xinh vô số loại. An bật cười nhận ra chính mình của mười năm trước, lúc nàng trạc tuổi Đậu Tây, cũng loay hoay đi tìm khổ chủ cho những hạt giống đang đợi ngày vươn mầm sống.
Đậu Tây ra về với khuôn mặt đầy hớn hở, giống như thuở nào An mới mười lăm. Nàng ngồi giữa khoảng sân lộng gió, rộn vang tiếng chim ríu rít chuyền cành. Nàng nghĩ nhiều về những điều giản đơn trong đời sống, về vòng tròn nhận và cho, quy luật bất biến giữa đời thường. Nàng lại nhớ những điều Ba nàng từng nói. “ Thứ con cho đi sẽ chẳng bao giờ biến mất, mình cho là đang nhận thật nhiều nghen con’’. Nàng lại nghĩ nhiều về những sự việc diễn ra quanh mình, thầm cảm ơn tất cả. Cảm ơn Ba rất nhiều vì luôn dạy An sống biết trước biết sau, cám ơn Mẹ luôn nhắc An biết sống bao dung sẻ chia những điều ta may mắn có trong đời. Cám ơn những người bạn luôn sát cánh và sẵn sàng giúp đỡ nàng bao năm qua. Có những thứ tưởng chừng rất nhỏ ta đã cho đi, rồi một ngày lại trở về như phúc báo. Những hạt mầm An chẳng có duyên gieo trồng nuôi nấng vẫn tìm cách trở lại với An bằng hình hài của những thứ quả tươi ngon. Thứ An sẻ chia cho láng giềng chỉ là những hạt mầm bé nhỏ, nhưng vô tri mang lại mối thâm tình với làng xóm bà con.
Lúc An trao tay những hạt giống của mình, nàng nào nghĩ đến chuyện nhận lại nhiều hơn thế. Bí mật hạnh phúc của cuộc sống mà nhiều người vẫn thường quên lãng đó là cho đi. Còn cho đi, thì đời còn dễ thương, muôn phần dễ thương.
An nhấc điện thoại gọi cho Bác Mười, báo vài hôm sẽ về Mỹ Tho thăm Bác. Nàng định bụng mang về những hạt giống mới, và cả câu chuyện phúc báo thật đẹp của mười năm trước kể cho Bác nghe trong niềm hân hoan khó tả.
Ngộ