Tháp Po Dam, huyền bí nhóm tháp Chăm lạ lùng ở Tuy Phong

Bình Thuận không chỉ có biển xanh cát vàng thơ mộng mà còn mang một vẻ đẹp rất riêng, được tạo nên từ nền văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm nơi đây. Những công trình kiến trúc cổ, những điệu múa, nhạc cụ, âm nhạc, lễ hội truyền thống như là minh chứng về một vương quốc hùng mạnh, của một nền văn hóa xưa rực rỡ đã tồn tại và còn lưu giữ đến ngày nay. Và một trong số những công trình kiến trúc tiêu biểu vẫn còn hiện diện đến bây giờ, bên cạnh tháp Poshanu nổi tiếng, chính là nhóm tháp Po Dam, hay còn gọi với tên gọi khác Pô Tằm ở Tuy Phong.

Tháp Po Dam
Một phần cụm Tháp Po Dam ở Tuy Phong – Ảnh Nguyen Phan

Po Dam là một nhóm tháp Chăm nằm trong địa phần làng Lạc trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết tầm 110km. Tháp được xây dựng để thờ vua Po Dam, tức Pô Kathit, người Việt gọi là Bàn La Trà Duyệt. Ông là người có công lớn trong việc giúp dân làm hệ thống thủy lợi, an tâm canh tác, phát triển nền văn minh vào thời điểm đó và cho đến hiện nay, hệ thống thủy lợi này vẫn còn phát huy tác dụng cho cả vùng đất Tuy Phong và Bắc Bình.

Tuy đã được các nhà khảo cổ nghiên cứu nhiều nhưng hiện tại thì khoảng thời gian Po Dam được xây dựng vẫn còn là một sự tranh cãi, chưa xác định rõ được. Thông qua phong cách nghệ thuật trang trí, họ chỉ có thể tạm chứng minh cụm tháp này có cùng niên đại với các tháp phong cách Hòa Lai ở Ninh Thuận, tức khoảng cuối thế kỉ 8 đến đầu thế kỉ 9. Tuy nhiên, khi đối chiếu với lịch sử vương quốc Chăm Pa thì lại thấy niên đại trị vì của vua Po Dam lại rơi vào thời gian từ 1433 – 1460, từ đó dẫn đến nhiều câu hỏi bị để ngỏ, không tìm được đáp án.

Tháp Po Dam
Vẻ đẹp lắng đọng theo thời gian – Ảnh Nguyen Phan

Khi đến với vùng di tích này, nếu đã từng đi qua tháp Poshanu thì ắt hẳn ai cũng sẽ nhận ra cụm tháp Po Dam có sự tương đồng về kỹ thuật xây dựng lẫn nghệ thuật kiến trúc. Tuy vậy, nơi đây cũng có một điểm khác biệt hơn so với các nhóm tháp Chăm khác, vì nó được xây dựng dưới chân đồi thay vì ở trên đồi như ta thường biết, các cửa chính quay về hướng Nam chứ không phải hướng Đông.

Tháp Po Dam
Một trong những tháp Chăm cổ nhất trước khi tu bổ – Ảnh Nguyen Phan
Tháp Po Dam
Ảnh sau khi tu bổ – Ảnh Nguyen Phan

Thông thường, theo văn hóa người Chăm thì các tháp Chăm đều phải xây cửa chính hướng về hướng Đông như một nguyên tắc bắt buộc nhưng với nhóm tháp Po Dam thì đây là trường hợp ngoại lệ đặc biệt không tuân thủ nguyên tắc cũ. Do có nhiều nguyên nhân về mặt địa lý và tôn giáo mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa lí giải được, tất cả các của chính của Po Dam đều quay về hướng Nam, trong lòng hẹp hơn, dài hơn. Một điều đặc biệt khác nữa là các tháp ở đây đều được xây dựng ở dưới đồi, có hình dáng nhỏ và độ cao thì thấp hơn nhiều với các tháp Chăm khác. Tháp cao nhất cũng chỉ khoảng từ 7m đến 8m, mỗi cạnh đáy từ 3m đến 3,5m.

Kiến trúc khác biệt của tháp Po Dam – Ảnh Nguyen Phan

Hiện nay, tháp Po Dam gồm 6 tháp trong đó có 3 tháp tương đối nguyên vẹn hình dạng, 3 tháp còn lại chỉ còn phần đế. Các tháp được chia làm hai khu riêng biệt, mỗi khu có 3 tháp và được sắp xếp theo trục song song. Nhóm tháp phía Bắc có niên đại khá sớm, hình thành từ thế kỉ VIII – IX và nhóm tháp Nam lại có niên đại muộn hơn, khi được xây dựng vào thế kỷ XV.

Tháp Po Dam
Cụp tháp Bắc – Ảnh Nguyen Phan

Nhóm tháp phía Bắc là nơi lưu giữ bệ thờ bộ sinh thực khí Linga – Yoni bằng chất liệu đá xanh nguyên khối tượng trưng cho Thần Siva, hình dáng và kết cấu giống như ở tháp Poshanu nhưng kích thước nhỏ hơn nhiều. Còn với nhóm tháp Nam được xây dựng cách khoảng thời gian khá xa và với mục đích khác là để thờ phụng vua Po Dam nên kỹ thuật xây dựng và trang trí nghệ thuật cũng rất khác biệt.

Tháp Po Dam
Hoa văn cổ – Ảnh Nguyen Phan

Trong cả 6 tháp, Tháp chính (tháp C nhóm Bắc) là nơi ta có thể gặp được tinh hoa vẻ đẹp của phong cách Hòa Lai cổ, văn hóa Chăm. Tuy thời gian đã bào mòn đi phần đỉnh nhưng thân tháp vẫn còn khá nguyên vẹn những hình tượng, nghệ thuật trang trí đều và dày đặc trên thân, vòm cuốn, trụ áp tường. Những hình thù kỳ quái, những bông hoa xoắn xít nhau hay hình tượng Makara, vị thần canh giữ đền tháp chắc chắn sẽ khiến ánh mắt của du khách yêu thích cái đẹp, yêu thích văn hóa Chăm chăm chú không rời.

Hàng năm, người Chăm sẽ thực hiện những lễ nghi tôn giáo quan trọng ở đây, như lễ Cầu đảo, lễ Tống ôn, lễ Cầu mưa và đặc biệt trong đó có cả lễ hội lớn nhất của người Chăm, lễ hội Katê. Với những giá trị lịch sử, văn hóa mà mình đang lưu giữ, cụm tháp Po Dam đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia vào ngày 28 tháng 6 năm 1996.

Lai Đỗ

Huỳnh (PR+)