Tháp Poshanư, di tích còn sót lại của vương triều Chăm Pa

Bình Thuận từng là vùng đất của vương quốc Chăm Pa hùng mạnh và phát triển, đặc biệt là về kĩ thuật xây dựng. Trải qua những biến cố lịch sử, những thăng trầm của thời gian, Bình Thuận ngày nay vẫn còn tồn tại khá nhiều di tích lịch sử của vương triều Chăm Pa xưa. Trong đó có thể kể đến di tích quần thể tháp Poshanư, một biểu tượng trung tâm trong văn hóa của người Chăm, điểm tham quan nổi bật của du lịch Phan Thiết.

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Ảnh @Inebeateg

Với vị trí khá gần trung tâm thành Phố Phan Thiết, chắc chắn tháp Poshanu luôn là cái tên nằm trong danh sách thăm quan của những du khách khi đến với Phan Thiết.

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Toàn cảnh quần thể tháp Poshanu. Ảnh: muine-explorer.com

Tháp Poshanu (hay nói chính xác hơn quần thể tháp Poshanư) được xây dựng khoảng từ cuối thế kỉ thứ VIII và hoàn thành vào đầu thế kỉ thứ IX với mục đích ban đầu là để thờ thần Shiva – vị thần tối cao, rất linh thiêng trong đạo Hindu mà người Chăm rất sùng bái.

Tháp Poshanư nằm trên đồi Bà Nài, cách Lầu Ông Hoàng khoảng 100m, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc. Tên gọi của tháp có nhiều cách gọi, cách ghi khác nhau. Đa phần mọi người hay viết, gọi là Poshanu (có khi cũng viết theo âm đọc thành Pôshanư) hoặc Pô Sah Inư. Tên tháp tiếng Anh được ghi là Po Sah Inu.

Sự cuốn hút của tháp Poshanư nằm ở vẻ đẹp kiến trúc. Đây thực sự là một tuyệt tác của dân tộc Chăm đã để lại cho nhân loại. Dù chỉ có quy mô không đồ sộ, vĩ đại như các công trình “để đời” khác nhưng nó lại có những gì tinh túy nhất về kĩ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của vương quốc Chăm Pa cổ.

Điều đó tạo cho tháp Poshanu vẻ đẹp uy nghiêm và huyền bí. Tháp được xây dựng theo phong cách kiến trúc Hòa Lai – kiểu kiến trúc thành công nhất, đẹp nhất của người Chăm Pa. Bên cạnh đó, vì quần thể tháp này được xây dựng theo tôn giáo đặc trưng dân tộc Chăm là đạo Hindu, nên những tượng thò trong tháp cũng được bố trí rất đặc biệt. Cấu trúc của quần thể tháp này gồm 3 tháp:

Tháp chính A có 4 tầng, càng lên cao diện tích càng thu nhỏ lại và bớt đi những yếu tố kiến trúc của tầng dưới. Đây là công trình còn khá nguyên vẹn của cụm tháp Poshanu, với những dãy chạm khắc dày đặc cùng những bông hoa và hình tượng kì lạ. Trong tháp hiện còn thờ biểu tượng sinh lực khí Linga – Yoni bằng chất liệu đá xanh đen nguyên khối.

Tháp phụ B nằm riêng nhích về hướng Bắc, cao khoảng 12m, về cơ bản khá giống tháp chính A nhưng đơn giản hơn. Trước đây trong tháp có thờ con bò thần Namdin nhưng sau đó không thấy nữa. Năm 1995, lúc khai quật dưới lòng đất đã tìm thấy một bàn chân và một tai bò thần bằng đá.

Tháp phụ C hiện chỉ còn lại với chiều cao hơn 4m, những kiến trúc và trang trí nghệ thuật bên ngoài đã bị thời gian bào mòn chỉ còn lại một số đường nét gốc. Ngọn tháp này để thờ thần Lửa.

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Cấu trúc 3 tháp của Poshanu. Ảnh: vntrip.vn

Không chỉ kiến trúc mà ngay cả cái tên Poshanu cũng đã gợi lên sự hứng thú của du khách. Poshanu là tên của một vị công chúa có công lớn trong việc truyền dạy nhân dân vùng Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc ngày nay sản xuất nông nghiệp, khai phá đất rừng làm rẫy, trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, xây dựng các công trình thủy lợi.

Bà cũng là người đã định ra nhiều quy tắc trong quan hệ giao tiếp, đối xử tiến bộ trong gia đình và xã hội của triểu đình trong thời kì đó. Sự ra đời của quần thể tháp gắn liền với câu chuyện tình đẹp nhưng không trọn vẹn của công chúa Poshanu, một chuyện tình vượt lên định kiến xã hội, giữa hai con người khác đạo nhau.

Nhưng lại vì một hiểu lầm không đáng có do người ngoài cố tình hãm hại mà hai người lại chia xa, đến khi có cơ hội giải thích hiểu lầm thì con tim họ lại không thuộc về nhau nữa. Về sau, vì những công lao to lớn của Bà mà người Chăm đã tạc tượng Bà và thờ Bà trong tháp.

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Một điệu múa Chăm truyền thống. Ảnh: vntrip.vn

Một điểm cuốn hút nữa của di tích tháp Poshanư là các lễ hội. Hàng năm, Poshanu thu hút được đông đảo người Chăm địa phương cũng như từ các vùng lân cận đến cúng viếng cầu bình an, làm lễ cầu mưa, hay cầu cho những chuyến đi biển được bình an, với những nghi lễ truyền thống khác thể hiện sự tưởng nhớ công ơn của người xưa và sự sùng bái thần linh được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Tháp có các lễ hội chính như: Lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng được tổ chức vào tháng giêng âm lịch, Lễ hội Katê với nhiều tiếc mục đặc sắc được diễn ra vào tháng 7 Chăm lịch, tức là vào khoảng tháng 9 – 10 dương lịch.

Đây là dịp để du khách thập phương được thưởng thức văn hóa Chăm một cách hứng khởi nhất với những điệu múa truyền thống uyển chuyển đi kèm với những nhạc cụ Chăm độc đáo như: trống Ginăng, trống Paranưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi,… Nếu đến vào những ngày thường, du khách vẫn có thể xem những tiết mục nghệ thuật dân gian Chăm được ban quản lí tổ chức theo yêu cầu.

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Một tiết mục múa trong lễ hội của người Chăm. Ảnh:kynguyentravel.com

Tháp Poshanu ở Phan Thiết

Du khách chụp hình tại tháp Poshanu – Ảnh @Streeeters

Tháp Poshanư đã trở thành biểu tượng văn hóa Chăm cũng như là một biểu tượng của thành phố biển Phan Thiết. Mỗi khi nhắc đến thành phố này, có lẽ mọi người không chỉ nhớ về những bãi biển xinh đẹp, những đồi cát bao la mà còn nhớ đến nơi đây là một điểm hẹn văn hóa hấp dẫn của các cộng đồng dân tộc, trong đó có cộng đồng người Chăm, với trung tâm là quần thể tháp Poshanu.

P.K.C

Huỳnh (PR+)