Lễ hội Katê ở Bình Thuận, nét văn hóa đặc sắc đồng bào Chăm

Lễ hội Katê (còn được gọi là Mbang Katê) là một trong những lễ hội lớn nhất và vô cùng thiêng liêng đối với cộng đồng người Chăm. Lễ hội được tổ chức để nhằm tưởng nhớ đến các vị anh hùng dân tộc (được người Chăm tôn vinh làm thần). Đây là thời gian mà mọi thành viên trong gia đình dân tộc Chăm gần gũi, gắn bó, đoàn kết, thương yêu nhau hơn trong cuộc sống, cũng như để vui chơi, giải trí sau một năm lao động miệt mài.

Lễ hội Kate 2020
Lễ hội katê 2020 – Ảnh Hồ Đăng Khoa

Lễ hội Katê còn là một không gian văn hóa đậm bản sắc văn hóa Chăm. Đến với Lễ hội là không chỉ đến với đền tháp cổ kính – đại diện cho giá trị kĩ thuật và mĩ thuật bậc nhất của nền văn hóa Chăm mà còn đến với những giá trị văn hóa tiêu biểu như: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ, những bài thánh ca ngợi ca các vị vua hiền có công với nước với dân.

Lễ hội là dịp để những ai tham dự được có cơ hội thưởng thức một kho tàng nghệ thuật ca – múa – nhạc dân gian đầy độc đáo, cùng hòa vào những điệu múa duyên dáng của các cô gái Chăm xinh đẹp, được đắm chìm vào tiếng trống Ginăng, tiếng kèn Saranai, trống Paranưng, Grong (lục lạc), đàn Kanhi, v.v.. Và là cơ hội cho ai muốn được chứng kiến sự đa dạng, phong phú của một trong những kho tàng văn hóa tiêu biểu của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

 Lễ hội Katê
Không khí Lễ hội Katê

Năm nay 2020, lễ hội Katê Bình Thuận sẽ chính thức diễn ra từ ngày 15/10 đến 16/10/2020 tại Di tích tháp Pô Sah Inư (nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài, cách trung tâm thành phố Phan Thiết 7 km về hướng Đông Bắc). Lễ hội được yêu cầu tổ chức theo đúng phong tục tập quán truyền thống của người Chăm địa phương.

Các phần lễ và phần hội sẽ được tổ chức một cách gắn kết hài hòa, khép kín tạo nên không khí vừa trang nghiêm vừa vui tươi, lành mạnh, phấn khởi, tạo được sự đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.

Đối với phần lễ (được xem như là nội dung chính yếu, cốt lõi của lễ hội) sẽ được giao cho các chức sắc tôn giáo người Chăm huyện Hàm Thuận Bắc trực tiếp điều hành, thực hiện theo đúng nghi thức tôn giáo, phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc.

 Lễ hội Katê
Y trang nữ Thần Pô Sah Inư đang được các chức sắc tôn giáo Bà-la-môn thỉnh và rước lên tháp chính

Theo kế hoạch, ngày đầu của Lễ hội là nghi lễ Tống ôn do các chức sắc người Chăm Bà La Môn thực hiện, hai ngày còn lại sẽ tiếp tục diễn ra các phần lễ còn lại và phần hội.

Thường phần lễ sẽ được diễn ra trong hai ngày với các lễ bao gồm: Lễ đón rước y phục, Lễ mở cửa tháp, Lễ tắm tượng thần, Lễ mặc y phục cho tượng thần và Đại Lễ. Khi điệu múa thiêng kết thúc thì ngoài tháp Chăm sẽ bắt đầu mở hội. Các điệu múa, làn điệu dân ca cộng hưởng với trống Ginăng, trống Paranưng và kèn Saranai làm vui nhộn cả một vùng. Phần lễ sẽ được kết thúc vào chiều tối ngày thứ hai của lễ.

 Lễ hội Katê
Các thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống của dân tộc.

Đối với phần hội, ban tổ chức sẽ tổ chức những trò chơi dân gian, hội thi, hội diễn giới thiệu về các nghề truyền thống, trình diễn nghệ thuật dân gian Chăm để tạo không khí sôi động, hấp dẫn, vui tươi đối với người dân và du khách dến tham gia.

 Lễ hội Katê
Thi giã gạo, một trò chơi dân gian

Trong thời gian này, đến với Tháp Pô Sah Inư, chúng ta còn có thể có cơ hội thưởng thức, tìm hiểu hội thi nắn bánh gừng, trưng bày – trang trí lễ vật trên Thônla và Cổ bồng để dâng tế nữ thần Pô Sah Inư, thi thổi kèn Saranai dài hơi, v.v. dưới sự tham gia và hướng dẫn của các nghệ nhân người Chăm.

 Lễ hội Katê
Các nghệ nhân Chăm trình diễn nghệ thuật trống Paranưng

Ban tổ chức Lễ hội Katê của đồng bào Chăm năm nay còn tạo điều kiện cho bà con người Chăm các địa phương khác trong tỉnh có cơ hội được giao lưu, học hỏi và xây dựng mối đoàn kết thông qua chương trình giao lưu văn nghệ. Đồng thời Ban tổ chức những trò chơi dân gian cho bà con như thi “giã gạo”, “nặn gốm”, “đội nước vượt chướng ngại vật”, còn đối với du khách thì sẽ có các hoạt động như tham gia “mang quà về nhà”, “tìm chanh”, v.v..

Đặc biệt, ngoài việc tổ chức tại tháp Poshanư, năm nay, tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm huyện Bắc Bình cũng sẽ tổ chức Hội thi văn hóa dân gian Chăm chào mừng lễ hội Katê năm 2020 trong ngày 18/10/2020.

Hội thi văn hóa dân gian này sẽ bao gồm 02 cuộc thi nâng cao tay nghề gốm truền thóng và hội thi chữ viết Chăm truyền thống. Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, thẩy que tre và bình gốm dành và chương trình nghệ thuật ca múa nhạc dân gian Chăm cho người dân địa phương và du khách tham quan tham gia và thưởng thức.

Lễ hội Katê là sự kiện quan trọng của tỉnh Bình Thuận nhằm để tiếp tục quảng bá, giới thiệu và khai thác vốn văn hóa cũng như các lễ nghi, lễ hội, nghệ thuật truyền thống quý giá của dân tộc Chăm ở Bình Thuận nói chung và Lễ hội Katê nói riêng. Ban tổ chức cũng ý thức được việc tổ chức một Lễ hội Katê thật ấn tượng với người dân và du khách sẽ góp phần quảng bá văn hóa, phát triển kinh tế đặc biệt là du lịch. Nên các bạn có thể yên tâm với sự chuẩn bị vô cùng chu đáo và công phu của ban tổ chức, để phục vụ cho các bạn có được những trải nghiệm lí thú nhất khi đến với lễ hội.

Với những hoạt động hấp dẫn kể trên, còn chờ gì nữa mà không xếp lịch vào tháng 10 này để đến với Bình Thuận, đến với Lễ hội Katê để có thể trực tiếp trải nghiệm không gian văn hóa Chăm đầy sinh động và hấp dẫn như thế này?

Huỳnh (PR+)