Lễ hội Dinh Thầy Thím, đặc sắc văn hóa Bình Thuận
Lễ hội là sản phẩm tinh thần được hình thành và phát triển song song với lịch sử bởi chính cộng đồng dân tộc. Người Việt Nam từ bao đời nay vẫn luôn có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lễ hội Dinh Thầy Thím là dịp để thể hiện truyền thống quý báu đó của người dân ở ngảnh biển Tam Tân nhằm tôn vinh những người có sự đóng góp lớn cho sự phát triển của nước vùng đất quê hương.
Lễ hội Dinh Thầy Thím (Ảnh: Sưu tầm)
Để tưởng nhớ công ơn của vợ chồng Thầy Thím với những gì đã làm cho vùng đất Tam Tân, hằng năm cứ đến tháng 9 âm lịch, người dân nơi đây lại tổ chức lễ hội Dinh Thầy Thím. Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ và cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà.
Lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức tại Khu du tích văn hóa Dinh Thầy Thím thuộc thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Đây là một trong năm lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn bảo tồn, phát triển để phục vụ du lịch địa phương. Dinh Thầy Thím được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 32 (năm 1879), tồn tại hơn 130 năm lịch sử, tọa lạc giữa rừng dầu trên khu cát trắng, với không khí thiêng liêng, huyền bí và đầy thành kính.
Lễ Nghinh thần (Ảnh: Sưu tầm)
Lễ hội gồm những nghi lễ dân gian truyền thống như: Lễ Nghinh thần, rước sắc phong, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Chứng kiến các nghi lễ sẽ mang đến cho du khách tham quan những cảm nhận về các giá trị tích cực của truyền thống nhân văn cũng như giá trị tâm linh đang được gìn giữ, bảo quản.
Đến với phần hội, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng nơi miền biển như các trò chơi thi làm bánh, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, kéo co, đấu cờ người,… và những màn biểu diễn lân – sư – rồng, trống hội, triển lãm về sự tích Thầy Thím và chương trình nghệ thuật dân tộc. Khu di tích không chỉ hấp dẫn bởi khung cảnh thiên nhiên núi rừng, mà còn có sức cuốn hút, mời gọi du khách bởi bãi cát dài, biển xanh, có cơ hội được thưởng thức hương vị biển qua các món hải sản tươi ngon.
Vào dịp này, người dân từ khắp nơi đổ về đây xin lộc, cầu xin bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình, cùng nhau thả những chú chim về tự nhiên, về với tự do như là một việc thiện để củng cố thêm niềm tin tâm linh, tìm được sự thanh thản trong tâm hồn mỗi người.
Hoạt động tại lễ hội (Ảnh: sưu tầm)
Năm nay 2018, Lễ hội Dinh Thầy Thím ở Bình Thuận sẽ được diễn ra trong ba ngày, từ ngày 22 – 24/10 ( tức 14 – 16/9 âm lịch). Đây cũng là hoạt động gắn với kỷ niệm 23 năm Ngày Du lịch Bình Thuận (24/10/2018).
Phần nghi lễ vẫn được tiến hành theo những nghi thức truyền thống như các năm trước với các lễ: nghinh thần, nhập điện, dâng hương, đọc Kim sách ghi nhận công lao và đạo đức của Thầy Thím. Phần hội, ngoài việc biểu diễn lân, sư, rồng, để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan giải trí, phòng Văn hóa thông tin kết hợp cùng Ban quản lý Dinh Thầy Thím tổ chức hai chương trình dưới hình thức ca, múa, nhạc:
Chương trình khai mạc sẽ bắt đầu vào lúc 19h30 ngày 22/10/2018 (ngày 14/9 âm lịch) và chương trình âm nhạc chính sẽ được tổ chức cũng vào lúc 19h30 ngày hôm sau. Cả hai đều được Ban tổ chức chuẩn bị kĩ lưỡng nhằm mang đến những tiếc mục được dàn dựng công phu nhất cho du khách thưởng thức.
Chương trình còn có sự tham dự của nghệ sĩ Phương Nga và NSƯT Thanh Tuấn với tiết mục song ca bài “Cuộc đời Thầy Thím”, cùng các tiết mục ca múa biểu diễn được xây dựng trong tập nhạc “ Huyền Thoại Dinh Thầy Thím” do Ban quản lý di tích Dinh Thầy Thím thực hiện, dàn dựng.
Biểu diễn nghệ thuật (Ảnh: sưu tầm)
Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức cùng với những lợi thế vốn có, lễ hội Dinh Thầy Thím 2018 hứa hẹn sẽ mang lại cho ai đến với nơi đây những trải nghiệm văn hóa phong phú và đặc sắc. Còn chờ gì nữa mà không xếp lịch ngay cho mình và gia đình vào tháng 10 này nào?
P.K.C